ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

Đời Huyền Bí của HPB (tt)

The Esoteric World of Madame Blavatsky– Daniel Caldwell

 

Xem Mục ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

Chúng tôi nói đủ thứ chuyện.
– Thưa bà, Theosophy là gì ? Tôi hỏi. Bà có gọi nó là một tôn giáo không ?
– Chắc chắn không, bà trả lời, đã có quá nhiều tôn giáo trên đời rồi. Tôi không định thêm vô con số đó.
– Vậy, tôi xin hỏi, thái độ của hội với quá nhiều tôn giáo này là gì ?
Bà Blavatsky nắm lấy câu này cho ra giải thích dài và lý thú về đề tài này, mà tôi hiểu là Theosophy xem tất cả các tôn giáo đều tốt lành về một mặt, và tất cả đều xấu về mặt khác. Tất cả đều có chứa đựng chân lý, và tất cả có những sai lầm. Đa số niềm tin có cốt lõi tốt đẹp, và tất cả lại có sai ít nhiều khi thể hiện bên ngoài, và hội viên bác bỏ hoàn toàn những phô bầy của tôn giáo, các phô trương và nghi lễ của chúng.
Điều kiện cho ai muốn thành hội viên thì chỉ có ít và giản dị. Muốn gia nhập hội thì chỉ cần tỏ thiện cảm với ba mục tiêu chính của nó - khuyến khích tình huynh đệ đại đồng giữa con người, học hỏi các tôn giáo, và phát triển những quyền năng ẩn tàng trong con người…

 

Đời Huyền Bí của HPB (tt)

The Esoteric World of Madame Blavatsky– Daniel Caldwell

Tới bẩy giờ, bà Blavatsky vẫn chưa làm tôi hết chú ý, và tôi hy vọng, cũng chưa hết lòng kiên nhẫn của bà, và giờ này là giờ cơm tối cho người trong nhà. Có sáu hay bẩy người sống ở đây, trong đó có một bác sĩ trẻ, một sinh viên luật và một người Pháp, một người Mỹ (bạn của Edison), và một nữ bá tước của Thụy Điển. Chuyện được bàn thảo tại bàn ăn là tác phẩm mới của bà: bộ The Secret Doctrine ấn bản đầu tiên vừa mới phát hành. Tuổi đời của bà - bà gần sáu mươi - và vài khó khăn thỉnh thoảng bà gặp về ngôn ngữ - bà sinh ở Nga - không cản bà thành người nói chuyện hăng hái nhất và vui nhất ở bàn ăn.
Tối ấy chi bộ Blavatsky có buổi họp hàng tuần, tới tám rưỡi chúng tôi từ phòng ăn đi sang phòng khách và thấy có nhiều người đến dự, cả nam lẫn nữ. Đề tài thảo luận là giấc mơ. Cái hộp tròn đựng thuốc lá của bà được cô hầu gái thêm vào đầy, và với ông chi trưởng ngồi cạnh bà, người thư ký chi bộ bắt đầu nêu câu hỏi ghi trên tờ giấy.

20D Fred J. Dick
Tháng Mười Hai 1888 – London

Trước khi gặp bà Blavatsky ở London năm 1888, tôi cùng với mấy người khác được ông William Q. Judge nhận vào hội tại Dublin làm hội viên, khi ông Judge qua thăm Ireland. Lúc ấy tôi đã quen với chi tiết nhiều vụ tấn công xấu xa vào danh dự và tư cách của HPB.
Sự nhỏ mọn và yếu đuối của tất cả những người này lộ ra nổi bật, khác với nét tinh thần cao quý trong sách Isis Unveiled của bà, và bài cho các tạp chí mà bà là chủ bút, và những lời cáo buộc như thế chỉ tăng cường sự hăng hái của người ta với những nguyên lý vĩ đại… biểu lộ qua việc làm của bà, và những đề cập của bà về huyền thoại và sự hiểu biết của vô số bậc Thầy qua bao thời đại, cái triết lý mà bà tận hiến năng lực đời mình và máu con tim.
Những tấn công như thế gây đau khổ triền miên cho bà, ảnhhưởng đến Công Cuộc mà bà dốc lòng làm việc cho nó, còn đối với chúng tôi những người mới bắt đầu học Khoa học của Sự Sống, chúng cho thấy sự yếu đuối cố hữu trong bản chất phức tạp của ta, và cho phép ta nhận biết rõ hơn tầm quan trọng vĩ đại mà thông điệp của MTTL đưa ra cho nhân loại - thông điệp mà bà Blavatsky mang lại rõ ràng, và trên thực tế, với sự mạnh mẽ, hùng biện, và chi tiết lịch sử cùng triết lý không có gì sánh bằng trong lịch sử ta biết. Khi bác bỏ, làm cho tả tơi đa số niềm tin và tín điều được chấp nhận, có tính khoa học hay không, những bài viết của bà cho thấy bà như là người có triết lý trọn vẹn về sống thực tiễn hằng ngày, cũng như là về sự khai sinh vũ trụ và con người.
Mục đích chính của bà là truyền giảng khắp thế giới các ý tưởng và chỉ dạy của Tôn giáo Minh Triết cổ xưa, cái nguồn tiên khởi của mọi tôn giáo trên thế giới. Chắc chắn nó không phải là phổ biến Thông linh học Spiritualism, đi tìm phép lạ, hay bất cứ hiện tượng tâm linh gì. Hãy để sách vở của bà làm chứng.
Bà mang đến cả đông và tây những chân lý mà bao lâu nay bị lãng quên, là luật karma, luân hồi và bản chất phàm tính cùng thiên tính của con người, cùng với một triết lý tinh thần cao cả, làm điểm chính cho nhiều kiếp liên tiếp gắng công.

20F Edmund Russels
1888, London

Tôi biết bà nhiều trong những năm cuối đời của bà, và thường đến chơi nhà bà ở Lansdowne Road.
Cả thế giới muốn có hình của bà. Tôi thuyết phục được bà đi với tôi đến gặp một nhiếp ảnh viên. Ngày đó thật lạ lùng làm sao ! Mưa và gió và lá vàng rượt đuổi nhau trên đường. Bà không có y phục đi ra ngoài. Đưa bà món gì thì ngay sau đó bà cho người khác.
Tôi không sao làm được chuyện nếu không có sự giúp đỡ của nữ bá tước Wachtmeister. Lấy hẹn rồi, xe tới đón đứng chờ cả mấy tiếng. Bà không quen đi ra ngoài nên không nhúc nhích.
– Ông muốn tôi chết sao. Tôi không thể đi trên đá ướt.
Khăn quàng vai, khăn quàng cổ, áo lông chồng lên người bà. Đầu quấn khăn kiểu Nga có mạng trùm lên. Giông gió thổi tốc hết những thứ này nên nữ bá tước và người đánh xe phải giữ chúng lại, trong khi tôi giương dù trên đầu bà và giúp bà vào xe. Về sau, nữ bá tước kể tôi nghe là khi bà đến London lần đầu tiên, như là phu nhân của đại sứ Thụy Điển, có hai người hầu mặc chế phục đi theo sau bà tới bất cứ đâu
– Nếu chồng tôi mà biết có ngày tôi giữ thảm cho một phụ nữ khác bước lên, chắc ông sẽ chết không yên !
Bà nói mà cười, bà sẵn lòng nằm xuống đường cho bà Blavatsky bước qua mình.
Ông Van der Weyde là bạn của tôi. Tới nơi xuống xe còn cực hơn nữa. Họ không vô cớ mà trải thảm đỏ ở Regent Street.
– Đi nào, Quí Nương !
Tôi nói thế cho đúng kiểu cách như kịch.
Khi lên lầu rồi, bà thẳng thừng không chịu chụp hình. Bà không phải là nữ diễn viên. Tôi mang bà tới chỗ này để chi ? Sau rốt bà xiêu lòng, như tôi biết bà sẽ vậy, với câu chuyện về thí nghiệm của Van der Weyde nhằm áp dụng điện vào thuật nhiếp ảnh.
– Tôi sẽ ngồi cho ông chụp - một lần thôi - mau nhé - chụp y như vầy không cần sửa soạn gì cả.
Tôi nghiêng xuống bà và thì thào.
– Xin đừng để mắt bà lộ nét tinh quái.
– Này con, bà không hề có sự tinh quái.
Bà cười to, thế là việc chụp hình bị hư, nhưng rồi mọi chuyện diễn ra trôi chảy, và chúng tôi có được hình mà nay ai cũng biết. Bà hài lòng với hình. Tôi thì không. Bà có đó, nhưng không trọn con người. Tôi mong có được vật gì đó ở bàn viết của bà - tình cờ mà có - trong nếp áo dài của y phục rộng rãi của bà - làn rung động của ánh sáng chung quanh. Tôi nghĩ bà vui thích với chuyến đi ra ngoài, vì trong một lúc lâu sau đó bà hay thuật lại việc ‘bị yêu cầu’ làm này, kia và được ‘mang đi như một bọc’, nhất là câu:
– Đi nào, Quí Nương !

20G Violet Tweedale
1888 - 1889, London

Tôi sẽ không bao giờ quên buổi gặp gỡ đầu tiên với một phụ nữ bị nói xấu nhiều, bà Blavatsky, người mà tôi có tình thân mau lẹ và rất mến thương. Bà ngồi trong ghế bành lớn, bên cạnh có cái bàn trên đó để thuốc lá và giấy vấn. Trong lúc bà nói, ngón tay thuôn dài tuyệt mỹ của bà tự động cuốn điếu thuốc. Bà mặc áo rộng mầu đen, và đội khăn đen phủ tóc xám quăn. Mặt bà thuần nét mặt người Kalmuck, với nhiều nét nhăn nhỏ. Mắt to và xanh lục nhạt, chiếm trọn gương mặt - mắt thật lạ lùng vì tính thần bí mơ màng bắt ta phải chú ý.
Tôi hay nghe nói bà Blavatsky là tay bịp bợm, và tôi muốn nói là hành vi chọc phá của bà đôi khi là lý do cho nhận xét ấy. Bà dại dột không chịu cho nhiều phụ nữ sang trọng đến cả dám muốn xem ma hiện hình, chân sư, tinh linh, nghĩ là đủ thứ về hiện tượng
Bà Blavatsky là tay ảo thuật bẩm sinh. Ngón tay tuyệt diệu của bà được sinh ra để làm trò quỷ thuật, và tôi hay thấy bà dùng chúng cho việc ấy. Tôi nhớ kỹ sự kinh ngạc của mình khi lần đầu tiên thấy bà biểu lộ khả năng huyền bí, giả cũng như thật.
Một buổi trưa tôi ngồi chơi với bà thì có danh thiếp của công nương Jessica Sykes, cố nữ hầu tước Montrose và bà S. (vẫn còn sinh tiền) đưa vào cho bà. Bà nói sẽ tiếp các bà này ngay và họ được dẫn vào. Họ giải thích là có nghe nói về tôn giáo mới của bà và khả năng huyền bí kỳ diệu mà bà có. Họ mong là bà sẽ biểu diễn cho họ thấy một chút về điều gì bà có thể làm.
Bà Blavatsky không bước ra khỏi ghế của mình. Bà là hiện thân của sự khéo léo và khi trò chuyện, bà vấn thuốc là cho khách và mời họ hút. Bà nhận xét là họ không đặc biệt quan tâm đến niềm tin lâu đời mà Tây phương trẻ trung gọi là mới; điều họ thật sự muốn thấy là hiện tượng.
Đúng thế, các phụ nữ đáp, và nữ hầu tước phục phịch hỏi bà có thể cho số đề đua ngựa, hay số đỏ cho sòng bài Mont Carlo chăng ? Bà đáp không biết chi về việc ấy, nhưng sẵn lòng cho họ vài phút giải trí. Các bà khách có muốn đề nghị bà làm điều chi ?
Công nương Sykes lấy trong túi ra một bộ bài và đưa cho bà Blavatsky, nhưng bà lắc đầu.
– Trước hết hãy lấy ra những lá bài có đánh dấu đã. Bà nói
Công nương Sykes cười vang và đáp.
– Những lá nào ?
Bà Blavatsky nói cho nghe không một chút ngần ngừ. Làm vậy khiến các phụ nữ rất thích. Có vẻ đây là khởi đầu tốt đẹp.
– Xin làm cho giỏ thuốc lá nhẩy đó đây, một bà đề nghị.
Phút sau cái giỏ biến mất. Tôi không biết nó đi đâu, tôi chỉ biết có trò làm nó biến mất tiêu, và các phụ nữ tìm khắp nơi, để cả bên dưới cái váy rộng của bà Blavatsky, rồi đột nhiên nó hiện ra trở lại trên bàn thường có của nó. Vài trò ảo thuật theo sau, rồi thuật linh thị psychometry tuyệt hay, và các bà ra về, thấy hài lòng với cuộc vui.
Khi chỉ còn một mình như cũ với bà Blavatsky, bà quay sang tôi với nụ cười khô khan và nói.
– Cô có muốn tôi trưng món giá trị cho ai không biết quí nó không, như đem chuỗi ngọc cho heo thấy ?
Tôi hỏi có phải tất cả những gì bà làm thuần là trò ảo thuật.
– Không phải tất cả, mà phần lớn của chúng, bà trả lời không ngượng ngùng, nhưng nay tôi sẽ cho cô một cái chi đó đẹp đẽ và thật.
Bà yên lặng trong một chốc, lấy tay che mắt, rồi một âm thanh vang đến tai tôi. Tôi chỉ có thể tả âm tôi nghe được là nhạc thần tiên, vô cùng thanh nhã và lạ lùng. Làm như nó phát ra ở đâu đó giữa sàn và trần nhà, di chuyển chung quanh tới những góc khác nhau của gian phòng. Nhạc có nét thánh thót trong sáng, gợi cảnh trẻ con sung sướng nô đùa.
– Nay tôi cho cô nhạc của sự sống, bà Blavatsky nói.
Có sự lặng thinh như tờ trong một chốc. Ánh chiều lan dần vào phòng và có vẻ như mang theo với nó lòng mong chờ hồi hộp. Rồi tôi thấy như có gì đó từ ngoài đi vào mang theo với nó cảm xúc mới, một cái gì đó không tin được, không tưởng tượng được, vượt ngoài óc lý luận của tôi.
Có ai đó hát, một bài ca ở xa tiến lại gần nhưng tôi biết nó không hề ở xa, chỉ trở thành lớn dần hơn thôi.
Đột nhiên tôi sợ chính mình. Không khí chung quanh tôi rung lên theo làn rung động kỳ lạ, khác phàm, làm như ở quanh tôi nhiều như ở bên trên và đằng sau tôi. Nó không có nơi chốn, không xác định được vị trí. Khi lắng nghe, trọn thân hình tôi run rẩy vì bừng bừng rộn rã và với cảm giác về điều không biết trước.
Nhạc có nhịp điệu, nhưng nó không giống như bất cứ những gì tôi đã nghe trước đây. Nó nghe như khúc nhạc đồng quê, và có ý kêu gọi làm trọn bản thể tôi đáp lại cuồng nhiệt.
Ai chơi nhạc, và với nhạc cụ gì ? Họ có thể thổi sáo, và chơi với nét luyến láy thu hồn, buông thả tuyệt diệu như là thiên nhiên biểu lộ. Nó làm tôi đột nhiên nhớ tới đồi xanh ở Sicilly, ở đó tiếng sáo của người thổi mà ta không thấy mặt vang xuống sườn núi, như tiếng sáo của thần Pan có lần vang trong núi đồi khúc khuỷu và thung lũng tím ở Hy Lạp và Thrace.
Tuy nhạc quyến rũ thật, và đầy sự hào hứng nhiệt tình về sức sống, nó mang theo mình một rung động vì lo lắng. Vẻ ngọt ngào của nó làm mê mệt, sự dịu dàng có tính cảm dục. Một mùi hương nồng ấm lan vào phòng, là mùi hương cỏ dại, dược thảo, mùi nước nho ép làm rượu bao lấy tôi như làn hơi thơm.
Âm thanh bắt đầu lấy hình dạng và dần dần xếp đặt thành lời. Tôi biết mình đang được mời gọi một cách tinh tế để bay ra khỏi. Linh hồn tôi làm như muốn dằng đứt dây buộc. Tôi nên buông và thoát ra chăng ? Vẻ quyến rũ bao trùm lấy tôi như thuốc phiện mạnh mẽ, nhưng trong sự lôi cuốn đó có một giọng nói nhỏ khăng khăng thì thầm:
– Coi chừng ! Cô tính đi đâu ? Giả dụ cô buông thả ý chí thì sẽ có được lại nó chăng ?
Giờ não bộ tôi cảm thấy kinh hoàng và yếu ớt. Thình lình làm như nhạc ngập tràn sự tội lỗi hân hoan và sự đắc thắng ngược ngạo… Đột nhiên tôi đứng bật dậy với phản ứng dữ dội vì sợ hãi, và khi tôi làm vậy, trọn khung cảnh biến mất khỏi cảm quan của mình. Tôi trở lại là ngồi trong phòng của bà Blavatsky như cũ, với ánh chiều lan dần, và từ xa vẳng tiếng rì rầm của London lẻn vào qua cửa sổ mở. Tôi quay nhìn bà Blavatsky. Bà ngồi chìm sâu vào ghế, thu kín lại trong cơn trầm tư sâu. Bà đã theo nhạc bay ra tới biển xa vời cõi thế. Bà cầm một cây thánh giá nhỏ của Nga giữa mấy ngón tay của mình.
Tôi biết bà đã đẩy tôi trở lại vào thế giới vẫn còn cầm giữ tôi, và tôi yên lặng rời khỏi nhà đi ra đường phố của London.
Vào một dịp khác khi tôi chỉ có một mình với bà Blavatsky, bất chợt bà ngắt ngang cuộc trò chuyện của chúng tôi và nói một ngôn ngữ khác mà tôi cho là tiếng Ấn. Có vẻ như bà nói chuyện với ai đó, và khi nhìn qua vai mình tôi thấy không chỉ có riêng chúng tôi nữa. Có một  người đàn ông đứng ở giữa phòng. Tôi tin chắc là ông không qua cửa mà vào, hay cửa sổ, ống khói, và khi tôi nhìn ông có chút kinh ngạc, ông chắp tay chào bà Blavatsky và trả lời bà bằng cùng ngôn ngữ mà bà dùng để nói chuyện với ông.
Tôi đứng dậy ngay để rời bà, và khi tôi chào từ giã bà nói nhỏ với tôi.
– Xin đừng thuật lại việc này.
Làm như người đàn ông không biết tôi có mặt ở đó, ông không để ý chút gì đến tôi khi tôi rời phòng. Ông có nước da sậm và trông rất buồn bã, khoác áo choàng dài, đen và đội nón đen, mềm; không lấy nó xuống mà kéo sụp xuống mắt. Tối hôm đó tôi thấy là không ai trong nhà biết có ông tới, và tôi không còn thấy ông nữa.

Chương 21
London - Thời Gian có Thành Tựu
1888 - 1889

Những năm của bà Blavatsky ở London thấy có xuất bản nhiều tác phẩm, mà cũng đặc biệt đáng kể về đáp ứng bà gợi nên nơi những ai tới gặp bà. Một trong những đáp ứng quan trọng nhất là  của bà Annie Besant. Ông William T. Stead người hoạt động xã hội và là chủ bút tở Pall Mall Gazette nhận được bộ The Secret Doctrine để điểm sách, và giao cho bà Annie Besant viết bài này. Kết quả là bà Annie Besant gia nhập hội thành hội viên - một đổi hướng nghịch lại có tính cách mạng trong đời bà - rồi sau đó là sự tiến dần của bà tới vị trí nổi bật trong Hội.
Năm 1889 là một trong những năm có nhiều điều hoàn tất của bà Blavatsky.
– Ngày 10 tháng Năm bà Annie Besant gia nhập hội.
– Tháng bẩy xuất bản quyển The Key to Theosophy - Chìa Khóa TTH, được ghi là ‘lời giải thích rõ ràng dưới dạng Hỏi và Đáp, về Luân Lý, Khoa Học, và Triết Lý cho việc học hỏi  mà do vậy Hội TTH được thành lập’.
– HPB đi nghỉ xa cùng tháng ở Fontainebleau tại Pháp. Ở đó bà viết phần lớn tác phẩm The Voice of The Silence - Tiếng Vô Thinh có tính thần bí, sùng tín, dựa trên những đoạn trích từ kinh đông phương The Book of the Golden Precepts mà bà học thuộc lòng khi ở Tây Tạng.
Cuối tháng đó và đầu tháng kế, HPB ở trên đảo Jersey miền nam Anh quốc. Bà kêu G.R.S. Mead là thư ký cho bà, tới để cho nhận xét về phần cuối quyển The Voice. Sau đó sách được phát hành vào tháng Chín.
– Trong tháng Tám, bà Annie Besant biến nhà của mình ở số 19 Avenue Road, vùng St. John’s Wood tại London thành trụ sở cho xứ bộ Anh của hội.
– Tới cuối năm, HPB chỉ địnhông Olcott là đại diện cho bà trong trường Bí Giáo Esoteric School.

21A William T. Stead
London 1888

Năm 1887 bà Blavatsky đến ngụ tại London. Bà Olga Novikov bị thu hút bởi nét tri thức mạnh mẽ của bà Blavatsky nên rất hâm mộ, cũng như việc bà Blavatsky thành thạo chuyện huyền bí. Ngoài ra bà Novikov còn là người Nga yêu nước sâu đậm.
Ngày kia bà Novikov viết cho tôi:
- Tôi có nhờ bà Blavatsky dịch lá thư kèm theo đây cho ông, vì tôi nghĩ nó rất đáng chú ý. Ông có nghĩ vậy không ? Bà rất muốn được gặp ông, thế thì trừ phi ông bận tối tăm mặt mũi, ông và tôi đến bà chơi vào buổi xế nào đó nhé ?
Tôi không trả lời thư. Lòng ưa thích học chuyện huyền bí của tôi, được kích thích do một lời tiên đoán lạ lùng ở buổi cầu hồn đầu tiên tôi dự năm 1881, đã bị chôn vùi vì căng thẳng của những chuyện đời thường. Bà Novikov nhắc lại lời mời của bà nài nỉ hơn. Ngay cả khi ấy tôi không nghĩ là tôi bằng lòng chịu đi, nếu bà Blavatsky không phải là người Nga. Dầu vậy, nói ngắn gọn là tôi chịu đi. Tôi hân hoan gặp, mà cùng lúc cũng bị dội với bà. Bà đầy uy lực, thô lỗ và dềnh dàng, nhưng bà có cung cách của một người đàn ông, mà là người đàn ông không theo thói đời, hơn là của một phu nhân thanh nhã. Tuy thế chúng tôi rất hợp với nhau, và bà Blavatsky cho tôi một bức ảnh của bà, nhất định rằng tôi muốn gọi bà là gì tùy ý, còn bà thì biết tôi là một người TTH tốt lành.
Và như vậy mối liên hệ vui vẻ được thiết lập với bà Blavatsky sinh ra kết quả không ngờ. Khi bộ The Secret Doctrine được gửi tới văn phòng tạp chí Pall Mall cho việc điểm sách, tôi rụt lại đâm ngán phải đọc hết nội dung sách. Tôi đem nó đưa cho bà Annie Besant, người mà trước kia có dự những buổi cầu hồn, chú ý đến chuyện ở cõi bên kia. Bà nhận việc ngay, mê say với nội dung và khi làm xong bài điểm sách, bà hỏi tôi có thể giới thiệu bà với tác giả chăng. Tôi hân hoan làm vậy.
Nhiều người bác bỏ TTH. Họ bảo bà Blavatsky ‘là kẻ mạo danh, kẻ lường gạt thô lậu. Bà bị cặp vợ chồng Coulombs tố cáo, và hội Nghiên Cứu Tâm Linh (Society for Psychic Research SPR) chê trách.’ Quả thật họ có nói những điều ấy, nhưng khi biển lặng sóng ngừng, con người của bà vẫn đầy thích thú, ngay cả lạ lùng, cho ai nhìn vào bề sâu của sự vật.
Bà Blavatsky là một người đàn bà vĩ đại. Bà có thân hình to lớn …nhưng nếu bà có vẻ sần sùi của thân cây sồi thì không phải là không có sức mạnh của nó.
(còn tiếp)

Geese